Tình hình nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong mùa Covid
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 4 tháng đầu năm gặp khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát nhưng tốc độ tái đàn chậm; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất, nhập khẩu nông sản.
1. Về hoạt động sản xuất
Nông nghiệp
Tính đến giữa tháng Tư, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 387,7 nghìn ha ngô, giảm 10,3 nghìn so với cùng kỳ năm ngoái ; 62,3 nghìn ha khoai lang, giảm 5,2 nghìn ha ;126,7 nghìn ha lạc, giảm 1,2 nghìn ha; 15,5 nghìn ha đậu tương, bằng 89,6% và 586,2 nghìn ha rau đậu, bằng 100,7%. Nhìn chung, các cây màu được gieo trồng đúng thời vụ, sinh trưởng và phát triển tốt.
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng ổn định; dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát trên cả nước, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đang thực hiện tái đàn; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Ước tính tháng Tư, đàn trâu cả nước giảm 2% so với cùng thời điểm năm 2019; đàn bò tăng 3,8%; đàn lợn giảm 13,2%; đàn gia cầm tăng 14%. Tính đến ngày 26/4/2020, cả nước không còn dịch tai xanh trên lợn; có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại Ninh Bình, 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại Cần Thơ chưa qua 21 ngày và 2 ổ dịch lở mồm long móng tại Kon Tum. Dịch tả lợn châu Phi tái phát 6 ổ dịch tại 2 địa phương. Hiện nay cả nước có 106 xã thuộc 47 huyện của 20 địa phương có ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày.
Lâm nghiệp
Trong tháng Tư, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 27,6 nghìn ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 7 triệu cây, giảm 1,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.106 nghìn m3, giảm 11,7%; sản lượng củi khai thác đạt 1,6 triệu ste, giảm 5,3%. Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lâm nghiệp trong tháng, xuất khẩu gỗ giảm, nhiều nhà máy chế biến gỗ tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế thu mua gỗ nguyên liệu.
Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 60,2 nghìn ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 28,7 triệu cây, giảm 0,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 3.987 nghìn m3, giảm 0,2%; sản lượng củi khai thác đạt 6,2 triệu ste, giảm 1,3%.
Thủy sản
Sản xuất thủy sản trong tháng tiếp tục gặp nhiều bất lợi do dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu đều giảm mạnh, tình trạng hạn mặn kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thả nuôi tôm vụ mới. Sản lượng thủy sản tháng Tư ước tính đạt 697,8 nghìn tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 522,7 nghìn tấn, giảm 4%; tôm đạt 73,1 nghìn tấn, tăng 0,3%; thủy sản khác đạt 102 nghìn tấn, giảm 0,2%.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 4/2020 ước tính đạt 339,5 nghìn tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 325 nghìn tấn, giảm 2%. Tháng Tư bắt đầu vào vụ cá Nam, giá nhiên liệu giảm sâu là điều kiện tốt cho bà con ngư dân bám biển nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiêu thụ sản phẩm có xu hướng giảm, đặc biệt giá mỗi tấn cá ngừ đại dương đã giảm từ 10-15 triệu đồng. Do vậy, một số tàu đánh bắt cá ngừ đại dương và đánh bắt xa bờ không thu được lợi nhuận nên hạn chế ra khơi.
2.Về hoạt động xuất khẩu
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 1/2020 đạt 18.323 triệu USD, thấp hơn 677 triệu USD so với số ước tính. Trong đó giày dép thấp hơn 199 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ thấp hơn 165 triệu USD; hàng dệt may thấp hơn 130 triệu USD; rau quả và thủy sản cùng thấp hơn 59 triệu USD; cao su thấp hơn 42 triệu USD.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản đạt 912 triệu USD, giảm 17,7%; cà phê đạt 497 triệu USD, giảm 9,8% (lượng giảm 6,6%); rau quả đạt 481 triệu USD, giảm 17,4%; hạt điều đạt 315 triệu USD, giảm 19,3% (lượng giảm 6%); cao su đạt 231 triệu USD, giảm 24,2% (lượng giảm 32,4%); hạt tiêu đạt 81 triệu USD, giảm 18,8% (lượng giảm 2,8%). Riêng gạo đạt 372 triệu USD, tăng 20,5% (lượng tăng 15%).
3.Về tiêu thụ trong nước
Các mặt hàng nông sản thực phẩm có lượng tiêu thụ tương đối ổn định và giá cả cũng không biến động nhiều.
Lương thực tăng 0,32% do giá gạo xuất khẩu tăng làm giá gạo trong nước tăng 0,34%.
Khảo sát các chợ lẻ tại TP HCM cho thấy hàng hóa dồi dào, giá cả nhiều mặt hàng vẫn ổn định. Tuy nhiên, một số mặt hàng thủy hải sản như mực, tôm, cua, ghẹ, ốc đang rục rịch tăng giá từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.
Giá thịt heo tăng từ cuối năm 2019 đến nay, tuy có sự điều chỉnh giá của nhà nước nhưng tại các phiên chợ, mức giá của thịt heo đến tay người tiêu dùng cũng từ 86.000-100.000 đồng/kg.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp, nông lâm, thủy sản cũng bị ảnh hưởng theo. Dẫn chứng là năng suất sản xuất giảm, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm mạnh làm . Tuy nhiên, nhờ các phong trào “giải cứu nông sản” như giải cứu dưa hấu, thanh long,…hỗ trợ tinh thần người nông dân trong mùa Covid. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, cá nhân cũng làm mới sản phẩm của mình như bánh mì thanh long, bún thanh long,… làm ẩm thực Việt thêm đa dạng, phong phú hơn.